Tiểu sử tác giả Nguyễn Trãi: Sự nghiệp sáng tác của ông
Giới thiệu tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Trãi, con đường hoạt động cách mạng, quan điểm sáng tác và những tác phẩm tiêu biểu của ông.
Nguyễn Trãi là một trong những Danh nhân văn hóa thế giới được rất nhiều người biết đến và nể phục, ngoài là một nhà thơ nhà văn lỗi lạc, ông còn là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao thiên tài đã có rất nhiều đóng góp to lớn cho dân tộc.
1. Tiểu sử cuộc đời Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai sinh năm 1380 và mất năm 1442, quê gốc ở Hải Dương. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, yêu văn học. Cha là Nguyễn Phi Khanh – một học trò nghèo chăm chỉ, học giỏi và đỗ đạt tiến sĩ còn mẹ là Trần Thị Thái – con gái của một gia đình quý tộc.
Thuở nhỏ Nguyễn Trãi sống với mẹ và ông ngoại, năm lên 6 tuổi thì mẹ mất, ông được ông ngoại trực tiếp dạy dỗ và rèn luyện. Bốn năm sau ông ngoại ông cũng qua đời (1390), lúc này ông được cha đón về làng Nhị Khê (ngày nay là thủ đô Hà Nội) để sinh sống và học tập. Nhờ thừa hưởng tấm lòng vì dân vì nước từ cha và ông ngoại nên ngay từ nhỏ Nguyễn Trãi đã ý thức được lòng yêu nước thương dân.
Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh (ngày nay gọi là tiến sĩ), lúc bấy giờ cả hai cha con ông đều được triều đình trọng dụng và cho làm quan cho nhà Hồ. Năm 1407, nước ta bị giặc Minh sang xâm lấn, cha ông bị bắt đem về Trung Quốc. Ông cũng bị giặc Minh bắt giữ nhưng đã tìm cách trốn thoát, từ đây ông bắt đầu tìm đường đánh giặc cứu nước. Sau một thời gian tìm hiểu ông đã ngộ ra được một lý tưởng đó là muốn cứu nước phải dựa vào dân. Ông cùng với Lê Lợi bàn mưu, tính kế chống giặc và góp công rất lớn vào sự chiến thắng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Sau khi quét sạch quân thù ông tiếp tục bắt tay vào xây dựng đất nước với mong muốn đất nước sẽ thái bình thịnh trị. Ông cũng chính là người góp phần xây dựng nên lịch sử vẻ vang của triều Hậu Lê.
Vào năm 1442, sau khi vào thăm Nguyễn Trãi trên đường về nhà vua băng hà đột ngột băng hà ở Lệ Chi Viên, bọn gian tà ở triều đình vu khống cho ông âm mưu giết vua và buộc ông phải nhận án tru di tam tộc. Đây là vụ án bi thảm nhất trong thời kỳ phong kiến lúc bấy giờ.
Mãi đến năm 1464, ông mới được Lê Thánh Tông minh oan và giải được nỗi oan ức này.
2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi
Ngoài là một anh hùng dân tộc, Nguyễn Trãi còn sáng tác rất nhiều tác phẩm có giá trị cho kho tàng văn học Việt Nam. Thơ văn của ông thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân và tình yêu đối với thiên nhiên.
Một số tác phẩm về quân sự và chính trị nổi tiếng, mang lại rất nhiều bài học ý nghĩa đó là “Quân trung từ mệnh tập”, “Chiếu biểu viết dưới triều Lê” và đặc biệt là áng thiên cổ hùng văn “Bình ngô đại cáo “- được coi là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của nước ta, tổng kết cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh, mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc.
Ông còn sáng tác rất nhiều tác phẩm về các chủ đề khác nhau như về lịch sử thì có “Lam Sơn thực lục”, về địa lý thì có “Dư địa chí”, về văn học thì có 2 tập thơ trữ tình rất xuất sắc là: ” Ức trai thi tập” và “Quốc Âm thi tập”.
Hầu hết các tác phẩm của ông đều được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán. Thơ trữ tình của ông chân thực, giản dị, mang hơi thở cuộc sống và rất gần gũi với thực tế, qua đó khắc họa được hình tượng người anh hùng vĩ đại, yêu nước thương dân.
Suốt cả cuộc đời Nguyễn Trãi đã luôn cống hiến cho sự phát triển của văn học và chính trị của dân tộc. Cuộc đời của ông nhiều đau thương, bị thảm nhưng đã để lại tiếng thơm muôn đời và sự kính phục, ngưỡng mộ của thế hệ sau. Ông xứng đáng là vị anh hùng dân tộc, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của thời đại.