Tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Xuân Diệu

Tiểu sử nhà thơ Xuân Diệu: Tác phẩm nổi tiếng của ông

Giới thiệu tiểu sử nhà thơ Xuân Diệu cũng như sự nghiệp văn học của ông trong những năm sáng tác của ông hoàng thơ tình.

Xuân Diệu được biết đến là một trong những nhà thơ tình rất nổi tiếng, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền văn học Việt Nam. Hầu hết những sáng tác của ông đều thể hiện khát khao mãnh liệt với tình yêu, với cuộc đời kết hợp với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo và khác biệt “có một không hai” trong thơ ca Việt Nam.

Tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Xuân Diệu

Tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Xuân Diệu

1. Tiểu sử nhà thơ Xuân Diệu

Xuân Diệu có tên thật là Ngô Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1916 tại Bình Định. Ông còn biết đến với một bút danh khác là Trảo Nha, đây chính là tên quê quán của cha ông tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Xuân Diệu được sinh ra trong một gia đình nhà nho hiếu học, có cha là Ngô Xuân Thọ đỗ tú tài kép Hán học, vì vậy sự nghiệp học hành của ông rất được đào tạo và hướng dẫn rất bài bản, quy củ. Cha ông là thầy giáo dạy học nên từ nhỏ ông đã được học chữ Nho và chữ Quốc ngữ với cha, sau đó tiếp tục học ở các ngôi trường có tiếng khác như trường Bưởi (Hà Nội) và trường Khải Định (Huế).

Năm 1937, Xuân Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn – một trong những tổ chức nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ.

Sau khi tốt nghiệp tú tài và cử nhân Luật, vào năm 1943 ông đỗ tham tá Thương chính và làm viên chức ở Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ngoài làm viên chức nhà nước thì ông còn đi dạy học tư nữa. Một năm sau đó, ông quyết định thôi việc và ra Hà Nội sinh sống bằng nghề viết văn.

Năm 1944, Xuân Diệu hăng hái tham gia vào các phong trào cách mạng phục vụ kháng chiến, đầu tiên ông tham gia vào phong trào Việt Minh, sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tiếp tục hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc và làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội.

Xem thêm:  Tiểu sử và sự nghiệp của tác giả Nguyễn Du

Năm 1948, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau đó, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 1, 2, 3 (1957-1985). Ngoài ra, ông còn được Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức bầu làm Viện sĩ thông tấn (1983).

Ông qua đời ngày 18 tháng 12 năm 1985. Hiện nay, nhà tưởng niệm và nhà thờ của ông được xây dựng tại quê hương là làng Trảo Nha, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

2. Sự nghiệp văn học của Xuân Diệu

Xuân Diệu được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình” và là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới của thi ca Việt Nam. Bên cạnh sáng tác thơ ca,ông còn viết văn xuôi, viết báo, tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học, …

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Xuân Diệu đã viết hơn 450 bài thơ, mỗi một tác phẩm đều đem đến cho thơ ca đương đại một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới.

Ông là một con người có tinh thần lao động nghệ thuật đầy đam mê và bền bỉ. Ông làm thơ, văn không chỉ để khẳng định tài năng mà còn là một cách giao cảm với đời, khẳng định sự hiện hữu của mình trong cuộc đời.

Ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết.

Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Thơ Xuân Diệu luôn thể hiện lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, niềm khát khao chiếm lĩnh và hưởng thụ những giá trị tươi đẹp của cuộc sống.

Sự nghiệp sáng tác thơ của Xuân Diệu có thể chia làm hai giai đoạn: Trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu được xem là nhà thơ lãng mạn tiêu biểu của phong trào. Thơ mới với hai tập thơ xuất sắc Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Xuân Diệu đã đem đến Thơ mới nguồn cảm hứng mới lạ của một hồn thơ sôi nổi, thiết tha yêu đời, thể hiện niềm khát khao giao cảm tận độ với cuộc đời bằng một cái tôi cá thể ý thức thật rõ giá trị của bản thân trước thế giới.

Xem thêm:  Tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Lê Anh Xuân

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu trở thành nhà thơ cách mạng, hòa mình vào cuộc sống mới, nhiệt thành phục vụ cách mạng. Thơ nở rộ với nhiều tập thơ lớn: Riêng chung (1960), , .

Một số tác phẩm tiêu biểu của Xuân Diệu

Thơ:

  • Thơ thơ(46 bài)
  • Gửi hương cho gió(51 bài)
  • Ngôi sao(1954, 41 bài)
  • Hội nghị non sông(1946)
  • Riêng chung(1960 ,49 bài)
  • Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962)
  • Một khối hồng (1964)
  • Tôi giàu đôi mắt (1970)
  • Thanh ca (1982)

Văn xuôi:

  • Phấn thông vàng(1939)
  • Trường Ca(1945)
  • Việt Nam nghìn dặm

Tiểu luận phê bình:

  • Thanh niên với quốc dân
  • Tiếng thơ
  • Ba thi hào dân tộc.
  • Hồ Xuân Hương ,bà chúa thơ Nôm.

Lao động nghệ thuật suốt hơn một nửa thế kỷ, Xuân Diệu đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học xuất sắc. Là một con người tài năng nhiều mặt, ở lĩnh vực nào Xuân Diệu cũng có những đóng góp lớn nhưng nói đến Xuân Diệu trước hết phải nói đến một nhà thơ, một cây đại thụ của thơ ca hiện đại Việt Nam.

Năm 1996, Xuân Diệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật. Để vinh danh và tưởng nhớ đến Xuân Diệu, tên của ông đã được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam.

Xuân Diệu là nhà thơ lớn trong văn học hiện đại, nhà thơ lớn của dân tộc. Bài học Xuân Diệu để lại cho đời là tinh thần lao động nghệ thuật cần cù, là niềm tin yêu tha thiết đối với con người, là ý thức chân thành đối với văn chương. Dù đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng thơ Xuân Diệu vẫn đầy sức hấp dẫn và lôi cuốn các thế hệ độc giả.