Tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Thế Lữ

Tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ Thế Lữ

Giới thiệu tiểu sử của nhà thơ Thế Lữ, tại đây bạn cũng sẽ tìm thấy tài liệu tiểu sử sự nghiệp sáng tác văn học của nhà thơ Thế Lữ.

Trong tất cả các nhà thơ mới của nền thơ ca Việt Nam, ta không thể không nhắc tới nhà thơ Thế Lữ. Ông sinh ra tại Hà Nội nhưng lại không được sống cùng mẹ. Trong những năm mà ông còn nhỏ thì chủ đề chính của ông chỉ là xa cách.

Vì sống ở vùng núi rừng nên ông được nghe những câu chuyện ma quái và kinh dị. Nó góp phần làm cho văn thơ mà ông sáng tác có phần độc đáo và in sâu vào tâm trí người đọc. Hãy thông qua bài viết này để biết hơn về tiểu sử và sự nghiệp của nghệ sĩ đa tài Thế Lữ nhé.

Tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Thế Lữ

Tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Thế Lữ

1. Tiểu sử nhà thơ Thế Lữ

Thế Lữ, tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ (nhưng cũng có tài liệu ghi là Nguyễn Thứ Lễ), sinh ngày 10 tháng 6 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định.

Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Khi lên 10 tuổi, người anh trai (hơn ông một tuổi) mất, ông lại đổi tên lại thành Nguyễn Đình Lễ. Lớn lên ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại là Nguyễn Thế Lữ, sau rút gọn thành Thế Lữ.

Bút danh Thế Lữ, mang nghĩa “người khách đi qua trần thế” lại phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy. Ông còn có tên khác là Nguyễn Khắc Thảo, nhưng sau cũng bỏ đi vì trùng tên. Khi viết báo, đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành “Lê Ngã”, “ta” cũng tức là “ngã”.

Cha ông là sếp ga xe lửa trên tuyến đường sắt Lạng Sơn – Thanh Hóa. Mẹ ông sinh ra trong gia đình Công giáo, kết hôn với cha ông trước, nhưng lại không được gia đình bên nội thừa nhận. Khi mới vài tháng tuổi, Thế Lữ bị đưa rời khỏi mẹ, đem lên Lạng Sơn sống cùng bà nội, cha và u (vợ chính thức của cha).

Xa mẹ từ nhỏ, mỗi năm có được gặp một đôi lần, nên theo như Thế Lữ nhớ lại, chủ đề chính từ khi ông còn bé cho đến năm 10 tuổi là xa cách, nhớ thương người mẹ ruột của mình. Sống ở xứ Lạng Sơn, núi rừng thiên nhiên nơi đây với những câu chuyện kinh dị ma quái mà ông được nghe từ nhỏ đã trở thành nguồn tư liệu, tạo cảm hứng cho các tác phẩm văn xuôi của ông sau này.

2. Cuộc đời và Sự nghiệp của Thế Lữ

  • Lên 8 tuổi, Thế Lữ học chữ nho và chuyển qua học chữ quốc ngữ khi lên 10 tuổi. Sau khi anh trai mất, ông được quay lại Hải Phòng ở với mẹ.
  • Năm 1924, ông thi đỗ sơ học và lấy vợ là bà Nguyễn Thị Khương khi chỉ mới 17 tuổi.
  • Năm 1925, ông vào học trường Cao đẳng tiểu học Bonnal ở Hải Phòng nhưng chỉ mới học được 3 năm thì bỏ.
  • Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, cùng hoạt động với Nguyễn Văn Linh tại Hải Phòng.
  • Theo Nguyễn Đình Thi, năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Thế Lữ dù tán thành đường lối của Đảng nhưng vì gia đình theo Công giáo nên không được gia nhập.
  • Tuy hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhưng mọi người biết đến ông nhiều nhất trong vai trò nhà thơ. Bút danh Thế Lữ có ý nghĩa là “Người khách đi qua trần thế” để phù hợp với quan niệm sống của ông. Ngoài ra, ông còn sử dụng bút danh Lê Ta để viết báo.
  • Vào những năm 1930, ông rất nổi danh trên văn đàn và trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn từ khi mới thành lập (1934).
  • Từ năm 1937, ông hoạt động chủ yếu trên lực vực kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám.
  • Năm 1957-1977, ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông được coi là người tiên phong trong phong trào thơ mới, văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng. Ông còn đóng góp to lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam.
  • Năm 1984, Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
  • Năm 2000, ông nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II.

3. Giai đoạn hoạt động của Thế Lữ

Hoạt động văn học và Tự Lực văn đoàn

Trước khi về Hải Phòng, Thế Lữ làm người sửa bản in cho báo Volonté Indochinoise (Ý muốn của Đông Dương), thường đi làm qua Vườn Bách Thảo Hà Nội, thời gian này ông đã viết bài thơ nổi tiếng Nhớ rừng. Sau khi trở về Hải Phòng, được mẹ cho dựng một căn nhà lá cạnh Đồ Sơn để chữa bệnh, Thế Lữ bắt đầu tập trung vào viết văn và làm thơ. Một trong những bài thơ đầu tiên của ông là Lời than thở của nàng Mỹ thuật và Lựa tiếng đàn để gửi cho các bạn trường Mỹ thuật ở Hà Nội. Ông còn viết cả truyện lãng mạn, ví dụ như Suối lệ, đã được đăng trên một vài tờ báo cũng như sách của Tân Dân.

Xem thêm:  Tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên

Sau khi tờ Phong hóa (bộ mới) ra mắt (tháng 9 năm 1932), Thế Lữ đã chào đón và gửi bài. Bài thơ đầu tiên của Thế Lữ trên Phong hóa là Con người vơ vẩn đăng vào số Tết năm 1933. Sau đó, khi đến tòa soạn Phong hóa lần đầu tiên, ông đã đọc những bài thơ mình sáng tác, và được Khái Hưng ca ngợi là “Lamartine của Việt Nam”. Bên cạnh đó, Nguyễn Tường Tam còn đặc biệt chú ý đến những truyện Một đêm trăng, Vàng và máu, cũng như tác giả của hai truyện này, cho rằng đó là một “cây bút mới mẻ”, “có triển vọng”, “sẽ kết nạp cho được và chắc chắn không khó khăn”. Không lâu sau, Thế Lữ được mời vào làm việc tại Phong hóa, và Nhất Linh sau đó cũng có bài viết trân trọng, đề cao Thế Lữ và thơ văn của ông.

Tháng 3 năm 1934, Tự Lực văn đoàn chính thức ra đời với 6 thành viên ban đầu: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ và Thế Lữ, cũng là các thành viên nòng cốt của tờ Phong hóa (mới). Thế Lữ tán đồng với quan niệm của Tự Lực văn đoàn và Phong hóa: lên án tư tưởng Nho giáo phong kiến, đả kích thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội bằng sự châm biếm hài hước, đồng thời đổi mới quan niệm sáng tác, giải phóng cá nhân, và đấu tranh xây dựng nền văn chương và ngôn ngữ Việt. Cũng từ đó, gần 10 năm, hoạt động văn học và báo chí của Thế Lữ gắn bó chặt chẽ với Tự Lực văn đoàn, và cũng hầu như thu gọn trong khoảng thời gian này.

Về báo chí, ông tham gia viết báo, biên tập cho tờ Phong hóa rồi tờ Ngày nay (ra mắt sau khi Phong hóa đóng cửa năm 1936). Với các bút danh Thế Lữ, Lê Ta, Mười Ba Chàng, ông viết bài cho các chuyên mục “Cuộc điểm báo”, “Cuộc điểm sách”, “Từ cao đến thấp”…, (Phong hóa) rồi “Điểm báo”, “Tin thơ”, “Tin văn… vắn”… (Ngày nay). Ngoài các mục cố định, Thế Lữ còn có nhiều bài bình luận, phân tích về các vấn đề văn chương, nghệ thuật, các bài phê bình sách. Ông là giám khảo cho tất cả ba cuộc thi của Tự Lực văn đoàn (1935, 1937, 1939), góp tiếng nói giúp khẳng định những tác phẩm được trao giải. Mục Tin thơ do ông phụ trách toàn bộ cũng phát hiện và khích lệ một số khả năng Thơ mới; đồng thời Thế Lữ, cùng với Lưu Trọng Lư, Huy Thông và các nhà thơ, tác giả khác, cũng góp công lớn trong việc đem lại thành công cho phong trào thơ mới chống lại thơ cũ, bảo vệ và đề cao thơ mới bằng các bài báo, đăng các sáng tác trong đó có sáng tác của chính mình. Bài thơ Nhớ rừng gây tác động mạnh mẽ lên công chúng, cùng các bài thơ nổi tiếng khác sau đó như Cây đàn muôn điệu, Tiếng sáo thiên thai…, được đăng trên Phong hóa, sau này được tập hợp lại trong tập thơ đầu tay Mấy vần thơ (1936), đã góp phần đem lại thắng lợi hoàn toàn cho phong trào Thơ mới, cũng như đưa ông trở thành một nhà thơ tiêu biểu của Thơ mới thuở ban đầu. Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm văn xuôi, ở các thể loại trinh thám, kinh dị và lãng mạn, cũng gây được sự chú ý của công chúng.

Thế Lữ là một trong các tác giả Tự Lực có nhiều tác phẩm nhất được Nhà xuất bản Đời nay phát hành. Từ 1934 đến 1943, ông cho ra mắt 12 cuốn sách, trung bình mỗi năm một cuốn, có những năm hai (1937, 1942), ba cuốn (1941). Đáng chú ý nhất là tập truyện đầu tay Vàng và máu (1934, được Khái Hưng viết lời giới thiệu), tập thơ thứ nhất Mấy vần thơ (1935), sau được sửa chữa và bổ sung nhiều bài mới trong Mấy vần thơ, tập mới (1941).

Kể từ 1937, ông dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sân khấu kịch nói, dù vẫn làm việc tại báo Ngày nay cho tới khi tờ này đóng cửa (sau 1940). Sau 1945, hoạt động và tư tưởng của Thế Lữ tách rời hẳn với hoạt động của Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng, Hoàng Đạo. Thế Lữ sau này đã phủ định mạnh mẽ hầu như toàn bộ đóng góp của Tự Lực văn đoàn vào nền văn hóa dân tộc, và Phạm Đình Ân đã coi đó là suy nghĩ cực đoạn, phiến diện, nhất thời trong bối cạnh xã hội – chính trị lúc bấy giờ. Dù vậy, những năm tháng cuối đời, Thế Lữ khi hồi tưởng về thời kỳ này đã nói: “Không có báo Phong hóa, Ngày nay, không có bạn bè Tự Lực, không có bạn thơ văn ngày ấy ăn ở với nhau như bát nước đầy, sẵn lòng yêu tài, mến đức của nhau,… thì không có Thế Lữ”.

Xem thêm:  Tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Viễn Phương

Hoạt động sân khấu trước năm 1946

Thế Lữ làm quen với sân khấu kịch nói từ năm 1923, khi lần đầu tiên được xem vở Tây Nam đắc bằng của Nguyễn Đình Kao, vở kịch nói chuyển thể từ tuồng cổ. Đến năm 1928, khi đang học năm thứ 3 Thành chung, nhân dịp Hội Trí tri (Hải Phòng) tổ chức quyên tiền xây dựng sân bóng, Thế Lữ đã đóng vai lão Quý trong vở Lọ vàng – do Mai Phương phóng tác từ Cái nồi (La marmite) của Plautus – dưới sự hướng dẫn của Hoàng Ngọc Phách và được Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hữu Kim hết lời khen ngợi. Ở Hà Nội, ông được xem một số buổi diễn của ban kịch Pháp “Les comédiens français”, hay nhóm kịch của Claude Bourain. Đến năm 1932, ông bắt đầu tham gia phê bình, góp ý cho một số vở diễn, đồng thời viết một vở bằng tiếng Pháp mang tên Le cauchemar d’un étudiant (Cơn ác mộng của một sinh viên – đã được Năm Châu chuyển thể thành cải lương). Ông còn tìm đọc nhiều sách báo viết về nghệ thuật sân khấu bằng tiếng Pháp. Thế Lữ say mê sân khấu kịch Pháp, muốn lấy đây làm đích để vươn lên cho sân khấu Việt Nam.

Những năm đầu gia nhập Tự Lực văn đoàn, Thế Lữ vẫn quan tâm đến nghệ thuật kịch nói. Năm 1935, ông cùng với Lan Sơn, Lê Đại Thanh thành lập một nhóm kịch ở Hải Phòng, đương thời được gọi là nhóm kịch Thế Lữ, chủ yếu diễn các vở của Vi Huyền Đắc. Thời kỳ này, dù sáng tác kịch nói Việt Nam đã ra đời hơn chục năm (từ năm 1921 với Chén thuốc độc của Vũ Đình Long), thì hoạt động biểu diễn kịch nói lúc này vẫn còn mang tính nghiệp dư, các buổi diễn được tổ chức đều phải dựa vào cớ “vì việc nghĩa”, diễn kịch để làm từ thiện, và cũng vì thế mà chất lượng nghệ thuật không được cả người diễn lẫn khán giả chú trọng. Thế Lữ chủ trương chống lối diễn kịch trên, ông kêu gọi trên báo Ngày nay số 116:

Cần phải có những tác phẩm mới khác nữa của những kịch sĩ mới, những bài học có giá trị để làm mất hẳn cái đội “kịch sĩ ô hợp”, chưa hiểu thế nào là nghệ thuật mà đã đi tìm vinh hạnh trên kịch đài… Đó là những con người “nhất thời chế biến”, họ lại không chịu học hỏi suy xét và coi sự luyện tập, sự diễn đạt rẻ rúng như một trò chơi…

…Sân khấu phải là một mỹ đài để cho người nghệ sĩ thi thố tài hoa. Những tài tử phải là những con cưng của toàn thể khán giả. Đi xem kịch không phải như trước chỉ để nghe vở mà còn xem cả nghệ thuật của người sắm vai

4. Những nhận định về Thế Lữ

Trong bài Cây đàn muôn điệu, Thế Lữ đã tự nhận mình là một khách tình si: Ông đúng là một con người đam mê với cái đẹp, và đó là vẻ đẹp về nghệ thuật, cái đẹp có trên nhiều lĩnh vực mà ông muốn đề cập tới. Bởi vì thế mà ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà văn, một nhà phê bình nghệ thuật và hoạt động sân khấu.

Ông được mệnh danh là “Ông hoàng thơ ca” của thời kí đầu phong trào thơ mới. Tuy chỉ có hai tập thơ và được sáng tác trong vòng 7 năm. Nhưng việc ấy lại có ý nghĩa khai sinh ra một chặng phát triển mới cho thơ ca Việt Nam.

Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, các nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân đã trân trọng đặt ông vào vị trí số một của phong trào Thơ Mới và lời nhận định: “Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”.

5. Tác phẩm tiêu biểu của Thế Lữ

Tác phẩm thơ ca tiêu biểu:

  • Mấy vần thơ (1935)
  • Mấy vần thơ, tập mới (1941)
  • Nhớ rừng

Truyện ngắn tiêu biểu:

  • Vàng và máu (1934)
  • Bên đường thiên lôi (1936)
  • Lê Phong phóng viên (1937)
  • Mai Hương và Lê Phong (1937)
  • Đòn hẹn (1937)
  • Gói thuốc lá (1940)
  • Gió trăng ngàn (1941)
  • Trại Bồ Tùng Linh (1941)
  • Thoa (truyện ngắn, 1942)
  • Truyện tình của anh Mai (truyện vừa, 1953)
  • Tay đại bợm (truyện ngắn, 1953)

Những vở kịch tiêu biểu:

  • Dương Quý Phi (1942), gồm hai vở: Trầm hương đình, Mã Ngôi Pha
  • Người mù (1946)
  • Cụ đạo sư ông (1946)
  • Đoàn biệt động (1947)
  • Đề Thám (1948)
  • Đợi chờ (1949)
  • Tin chiến thắng Nghĩa Lộ (1952)

Lời kết: Bài viết trên đã giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về nhà thơ Thế Lữ. Qua đó các bạn được bổ sung kiến thức để vận dụng vào các bài viết văn. Chúc các bạn học tốt.