Tiểu sử Nguyễn Ái Quốc: Sự nghiệp sáng tác văn học
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc và là một danh nhân văn hóa thế giới được hàng triệu người yêu mến và thán phục. Người đã đấu tranh không biết mệt mỏi và dành cả cuộc đời mình để hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho độc lập, tự do của các dân tộc và cho hòa bình trên toàn thế giới.
1. Tiểu sử Nguyễn Ái Quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở xã Kim Liên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội. Tên lúc nhỏ của Người là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, sau này khi tham gia hoạt động cách mạng Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc cùng nhiều bút danh khác.
Người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho hiếu học, có truyền thống yêu nước rất mạnh mẽ. Do sống trong cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của bọn thực dân cùng muôn vàn khó khăn, khổ cực của nhân dân nên từ nhỏ Người đã có tinh thần nồng nàn yêu nước. Mang trong mình một ý chí vô cùng kiên cường, Người đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu dân, cứu nước vào tháng 6/1911 để giải phóng dân tộc đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Từ năm 1912 đến năm 1917, Người đã đi đến rất nhiều nước khác nhau để sống, làm việc cũng như tham gia vào các phong trào của nhân dân các dân tộc thuộc địa nhằm nêu cao tinh thần yêu nước, học hỏi kinh nghiệm đồng thời nghiên cứu các học thuyết cách mạng.
Năm 1917, Người tham gia vào phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Tiếp 2 năm sau đó, Người đã gửi tới Hội nghị Versailles ở Pháp bản yêu sách đòi quyền tự do và bình đẳng cho nhân dân Việt Nam và cũng như đòi quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.
Cuối năm 1920, dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã tham dự đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người đã tìm được con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng với một số người yêu nước khác thành lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa tại Pháp với mục đích giúp nhân dân các nước thuộc địa đoàn kết và hiểu rõ hơn về phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và con đường cách mạng.
Tháng 6 năm 1923, Người chuyển sang Liên Xô hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin. Bốn tháng sau đó, Người được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V năm 1924, Người tiếp tục được bầu làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
Năm 1925, Người tiếp tục đi đến Quảng Châu (Trung Quốc) liên lạc với một số thanh niên yêu nước Việt Nam đang sống tại Trung Quốc để thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cho xuất bản tờ báo “Thanh niên” nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin đồng thời mở các lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long (Hồng Kông) và bắt đầu hoạt động cách mạng rất sôi nổi, đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Từ năm 1934 đến năm 1940, Người tham gia công tác và nghiên cứu về vấn đề dân tộc thuộc địa ở nước ngoài, đồng thời tiếp tục chỉ đạo, theo dõi sát sao các phong trào cách mạng trong nước.
Năm 1941 Người chính thức về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, lúc này Người đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII, quyết định đường lối cách mạng phù hợp để đánh quân xâm lược. Tiếp đó Người quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để xây dựng những chính sách, chiến lược cụ thể chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Tháng 8/1942, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế nhưng đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Một năm sau, Người được trả tự do trở về nước và tiếp tục lãnh đạo các phong trào cách mạng.
Cuối năm 1944, Người chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Tháng 8 năm 1945, Người triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng, quyết định phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và đã giành thắng lợi. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Ngay sau đó, thực dân Pháp lại, âm mưu xâm chiếm nước ta thêm một lần nữa. Người tiếp tục khởi xướng các phong trào thi đua yêu nước đồng thời sáng suốt lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân trường kỳ kháng chiến và đã giành thắng lợi to lớn bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Từ sau năm 1954, Người đề ra hai nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam là tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại phiên họp Quốc hội khóa II và khóa III, Người được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Trước khi qua đời, Người đã để lại cho nhân dân ta một bản Di chúc lịch sử, căn dặn những việc mà Đảng và nhân dân Việt Nam phải thực hiện để đánh tan quân xâm lược, xây dựng đất nước sau chiến tranh. Và đúng như mong ước của Người, vào mùa xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
2. Sự nghiệp sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngoài là một nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc, Người còn đóng góp rất to lớn cho nền văn học nước nhà với những tác phẩm vô cùng giá trị, gắn liền với sự phát triển của cách mạng và đời sống tinh thần của dân tộc.
Với lòng yêu nước cháy bỏng, người đã tìm mọi cách để giải phóng dân tộc và Người hiểu ra được rằng văn chương cũng một vũ khí đấu tranh cách mạng rất lợi hại. Sự nghiệp sáng tác văn học của Người gây ấn tượng rất sâu đậm ở 3 thể loại chính đó là: văn chính luận, truyện và kí, thơ ca.
Với tư duy sắc sảo, lập luận sắc bén cùng những dẫn chứng xác thực và tính thuyết phục Người đã sáng tác nên những tác phẩm chính luận rất tiêu biểu được đăng trên các bài báo nổi tiếng như: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn độc lập”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946); “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (1966); “Bản Di chúc” (1965-1969), …
Về nội dung của các tác phẩm thuộc thể loại truyện và kí, Người thường tập trung vào lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự hào dân tộc, đồng thời vạch trần bộ mặt tàn ác của chính quyền thực dân đem lại cho người đọc những nhận thức lớn lao về tinh thần nhân đạo chủ nghĩa. Một số tác phẩm tiêu biểu của thể loại này là:
- Lời than vãn của bà Trưng Trắc
- Những con người biết mùi hun khói
- Vi hành
- Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu
- Nhật ký chìm tàu
- Giấc ngủ 10 năm …
Người còn là một nhà thơ lớn sáng tác rất nhiều tập thơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng của mình. Một số tác phẩm nổi bật như: “Nhật kí trong tù” ,”Tức cảnh Pác Bó”, “Cảnh khuya, Đi thuyền trên sông Đáy”, “Lên núi”, “Rằm tháng giêng”, …
Có thể khẳng định rằng, văn thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của cách mạng và đời sống tinh thần của con người Việt Nam..
Với nhân cách khiêm tốn, giản dị cũng nhiều đóng góp vĩ đại cho dân tộc, Người xứng đáng với những danh hiệu cao quý mà cả nhân loại đã tôn vinh như: vị lãnh tụ cách mạng vô sản xuất sắc, chiến sĩ hòa bình, Danh nhân văn hóa thế giới.
Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn biết ơn và tự hào về Người!