BÀI VĂN MẪU SỐ 1 MIÊU TẢ TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN
Ngày Quốc tế Thiếu nhi mùng 1 tháng 6 vừa qua, em được bố mẹ dẫn đi tham quan Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam ở số 1 phố Tràng Tiền, ngay phía sau Nhà hát lớn của thành phố Hà Nội. Nơi đây lưu giữ và trưng bày rất nhiều hiện vật cùng những tài liệu quý giá về các thời kỳ phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm qua. Trong hàng ngàn hiện vật, em thích nhất là chiếc Trống đồng Đông Sơn có độ tuổi hơn 3.000 năm. Đây là một báu vật chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, chứng minh rằng nền văn minh và truyền thống văn hiến của dân tộc Việt đã có từ lâu đời.
Trống đồng này có tên là trống đồng Đông Sơn vì nó được phát hiện ở khu di tích Đông Sơn, Thanh Hóa, một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ. Thời ấy, con người đã chế tác được những dụng cụ bằng sắt, bằng đồng rất tinh xảo từ những khuôn đúc làm từ đất sét.
Chất liệu của trống đồng là đồng thau, nhẹ và bền. Kích thước của chiếc trống đồng chiều cao khoảng 6 tấc và chiều ngang khoảng 4 tấc. Thân trống hình trụ, thắt lại ở giữa. Mặt trống Đông Sơn là một vũ trụ thu nhỏ với tâm trống luôn là một ngôi sao có số cánh từ tám đến mười sáu, tuỳ từng vùng. Xung quanh ngôi sao là những vòng tròn đồng tâm hình người có những vũ công, từng tốp bốn đến bảy người mặc những bộ trang phục lễ hội, tay cầm khèn hoặc rìu, giáo. Tang trống được viền sắc sảo bởi đội thủy binh. Trên mỗi chiến thuyền có hình vòng cung gồm năm đến tám người. Hình tượng những con vật hiền lành xen vào những con chim đang bay được trang trí ở thân trống biểu hiện cuộc sống êm đềm, lạc nghiệp. Bố em giải thích rằng những nghệ nhân đúc đồng đã thể hiện được phần nào cuộc sống của người Việt thời xa xưa.
Tổ tiên của chúng ta thường dùng trống đồng trong các dịp tế lễ, hội hè trang trọng. Một nhóm từ hai đến ba người, mỗi người nắm chắc một khúc tre hoặc gỗ khá dài, dộng mạnh xuống mặt trống gọi là đâm trống. Tiếng trống ngân vang rất xa, gợi cảm xúc thiêng liêng bởi nó giống như linh hồn của tổ tiên, sông núi bao đời vọng lại. Hằng năm, vào dịp giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), trong lễ hội vẫn còn giữ các hoạt động vui chơi cổ truyền như hát xoan, đân trống đồng… để ca ngợi sự hưng thịnh của dòng giống Lạc Hồng và nhắc nhở người dân Việt Nam đoàn kết xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Ngắm chiếc Trống đồng Đông Sơn đậm màu thời gian, em thấy mình được hiểu thêm về cội nguồn, về lịch sử đáng tự hào của dân tộc Việt Nam, về nền văn hóa văn minh có từ rất sớm của đất nước mình.
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 TẢ TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN LỚP 5
Năm trước trường tổ chức cho học sinh đi đến thăm Khu di tích các vua Hùng ở Phú Thọ. Em có dịp đến tham quan Bảo tàng Hùng Vương – nơi bảo tồn những hiện vật lịch sử và những tư liệu quý báu về thời kì đầu xây dựng một đất nước. Trong đó, em ấn tượng hơn cả với những chiếc trống đồng Đông Sơn.
Trống đồng Đông Sơn có rất nhiều loại với đa dạng kích thước. Có những chiếc trống to lớn như phải vài vòng tay người lớn mới ôm hết. Có những cái nhỏ hơn, được đặt trang trọng trong những ô kính. Em rất thích thú khi được ngắm nhìn cả một bộ sưu tập những chiếc trống đồng.
Trống được đúc bằng đồng, sắc vàng xám nổi bật làm tăng thêm vẻ cổ kính cho chúng. Khác với các loại trống hiện đại ngày nay, trống đồng Đông Sơn không phình to ra ở giữa mà lại thắt cổ lọ rồi xòe ra ở mặt trên khiến nó giống như một tán cây khổng lồ. Trống được chạm khắc những đường nét vô cùng tinh xảo. Chính giữa mặt trống là hình một ngôi sao nhiều cánh tỏa ra xung quanh như biểu tượng của mặt trời. Bao quanh cái mặt trời ấy là những chú chim lạc hồng nối đuôi nhau xếp thành một vòng tròn lớn. Những hình tròn đồng tâm cứ thế hiện ra: những hình nhân nhảy múa, hươu nai có gạc hiện lên như minh chứng cho một thời kì lịch sử của buổi đầu dựng nước. Những đường nét chạm khắc tinh tế thể hiện bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ cổ xưa. Từng nét chạm như họa nên cả bức tranh sinh hoạt của thời kì đầu dựng nước. Đó phải chăng chính là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, khi con người cùng nắm tay nhau để tạo nên sức mạnh to lớn, những chú chim lạc hồng có phải là biểu tượng cho một xuất thân cao quý của người Việt, của tinh thần đồng tâm hiệp lực hay không?
Ấn tượng nhất vẫn là bức tranh sinh hoạt được chạm khắc khéo léo trên thân trống. Một cuộc sống lao động bất ngờ mở ra: họ săn bắn, đánh cá bằng những công cụ thô sơ nhưng rất gần gũi. Đến khi có được thành quả, họ vui sướng nhảy múa quanh những chiến lợi phẩm thu được. Họ còn cho thấy đời sống tinh thần phong phú của mình qua những điệu múa, đánh trống, thôi kèn như mở hội. Con người sống hòa hợp với thiên nhiên, thiên nhiên ban tặng những ,ón quà vô giá. Chim Lạc, chim Hồng chấp chới bay trên nền trời, đàn cá tung tăng bơi lội dưới nước. Tất cả như tái hiện lại cả một đời sống sinh hoạt phong phú của người dân Lạc Việt thuở xưa. Có thể nói rằng chiếc trống đồng đã cung cấp cho ta bao bài học lịch sử về nhà nước Văn Lang – Âu Lạc thuở trước. Họ chạm khắc lên chiếc trống như bày tỏ mong ước về một cuộc sống ấm no, đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Chiếc trống ấy cũng giống như một những trang sử kí, ghi lại những nét lịch sử của một thời. Nó còn nhắc nhở ta về truyền thống lịch sử lâu đời, dạy con cháu mai sau bài học về tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau vì chúng ta là anh em một nhà.
Chiếc trống đồng Đông Sơn đã mang lại cho em nhiều bài học quý giá. Đó là biểu tượng của lịch sử, là bài học mà bất cứ thế hệ nào cũng cần ghi lòng tạc dạ. Nó còn là niềm tự hào của ông cha ta về bề dày văn hóa và lịch sử lâu đời.